Tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật ca Huế” trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hiện nay, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy di sản ca Huế một cách bền vững. Trước mắt, triển khai chương trình tập huấn chuyên môn và tổ chức kiểm tra, thẩm định lại trình độ, kỹ năng của đội ngũ ca sĩ, nhạc công đang hoạt động trong lĩnh vực này. Sở Văn hóa- Thể thao phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ca Huế vào trường học, tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động ca Huế trên sông Hương và phát triển ca Huế thính phòng.
Ca Huế thính phòng phục vụ du khách.
Trước đó, vào năm 2015, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận ca Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ sĩ Võ Quê, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca Huế thính phòng, Trung tâm Văn hóa Huế cho biết: “Hiện nay, các nghệ sĩ nghệ nhân, những người làm nghệ thuật ca Huế rất trân trọng những giá trị của mình, cho nên cố gắng để gìn giữ và phát huy giá trị ca Huế. Hoạt động của ca Huế không chỉ trên sông Hương mà có rất nhiều hoạt động trên địa bàn thành phố và trong tỉnh. Hiện Sở Văn hóa Thể Thao đang có lớp tập huấn dành cho các nghệ sĩ, nghệ nhân biểu diễn trên sông Hương để họ có kiến thức cơ bản, một sự quan tâm đến đời sống văn hóa du lịch”.